Có nhiều nguyên nhân khiến cho bé yêu chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng, nhận thức kém phát triển,…như chế độ dinh dưỡng, yếu tố di truyền, trẻ bị mắc bệnh,…trong đó có cả những thói quen của mẹ khi chăm con hàng ngày cũng gián tiếp khiến cho con chậm lớn. Bài viết dưới đây sẽ vạch mặt những sai lầm điển hình của các mẹ khi chăm con, đó là:
1. Cứ con không ăn là cho uống sữa
Có một quan niệm sai lầm mà rất nhiều bậc phụ huynh thường mắc phải đó là họ cho rằng sữa là tất cả. Cứ khi nào con không chịu ăn, ăn kém là thay thế bằng sữa. Nhiều người còn quan niệm rằng trẻ càng uống nhiều sữa thì càng tốt. Thậm chí còn cho con uống sữa thay nước hàng ngày vì như thế “Con sẽ có chất hơn”.
Theo Chuyên gia dinh dưỡng Ths.Bs. Lê Thị Hải – Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc Gia: “Trong quá trình thăm khám dinh dưỡng cho các bé, tôi nhận thấy có một tình trạng chung là có những mẹ chỉ chăm cho con uống sữa mà không cho ăn các loại thức ăn khác thì cân nặng của các bé thường không đủ và không tăng. Những bé này cũng thường rất biếng ăn các loại thực phẩm khác”.
Bởi vậy, mẹ cần xác định rõ sữa chỉ là nguồn thực phẩm bổ sung thêm, không phải là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính. Trong sữa có nhiều chất mà khi uống nhiều, trẻ sẽ bị đầy bụng và không muốn ăn thêm thức ăn khác. Về lâu dài, tình trạng này sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng: trẻ thừa chất này nhưng lại thiếu chất kia.
Sử dụng nhiều sữa có nhược điểm khác là giảm khả năng hấp thu chất sắt có trong thực phẩm, khiến trẻ đầy bụng, nguy cơ bị táo bón, sâu răng,… là rất cao.
2. Không bổ sung sắt đầy đủ cho trẻ
Không bổ sung sắt đầy đủ cho trẻ là một trong những sai lầm của rất nhiều bà mẹ khi chăm con khiến cho con chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng.
Mẹ có biết: trong giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi, là “giai đoạn vàng” để trẻ tập trung phát triển cả về trí não và thể chất. Để có thể phát triển một cách toàn diện nhất, trẻ cần được cung cấp một lượng lớn calo và các vi chất như canxi, kẽm, và đặc biệt là sắt. Bởi sắt là nguyên tố tạo nên hồng cầu, đóng vai trò quan trọng nhất trong việc phát triển của bé, giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
Thiếu sắt làm cho cơ thể mệt mỏi, trẻ hay bị ốm đau, còi cọc, chậm tăng cân, khi sinh ra kém phát triển, hay ngủ gật, thiếu tập trung trong giờ học dẫn đến kết quả học tập sa sút. Sắt cần thiết cho tất cả mọi người, đặc biệt là với trẻ em vì đây là đối tượng dễ bị thiếu sắt nhất do nhu cầu tăng cao, nhu cầu sắt ở trẻ còn bú mẹ tăng gấp 7 lần so với người lớn tính theo trọng lượng cơ thể. Mà lượng sắt bổ sung qua nguồn thực phẩm thường không thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển mạnh mẽ của trẻ trong 5 năm đầu đời. Do vậy, bên cạnh việc cho bé ăn nhiều thực phẩm giàu sắt, mẹ cần bổ sung thêm sắt đường uống để tránh bị bệnh thiếu máu.
3. Nấu cháo với nước xương hầm cho nhiều chất
Đây là một thói quen khó bỏ của nhiều bà mẹ người Việt khi nuôi con nhỏ. Họ có quan niệm rằng trong nước xương có nhiều chất béo, canxi sẽ giúp con tăng cân tốt, phát triển chiều cao. Các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra rằng, suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm, các mẹ nên từ bỏ thói quen dùng nước xương hầm để nấu cháo, bột,…cho con. Vì trong xương ống là tủy sống có chứa rất nhiều chất béo động vật. Loại chất béo này khó tiêu, khi bé ăn sẽ bám lại ở thành ruột và dạ dày, gây đầy bụng, nhanh no, mau chán ăn… Nếu cho trẻ ăn nhiều có thể dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa, phân sống…Về phần canxi có trong xương ống chủ yếu là canxi vô cơ mà cơ thể bé không hấp thụ được. Đó cũng là lý do vì sao trẻ ăn nhiều nước xương ống nhưng vẫn còi cọc, thấp bé, nhẹ cân.
4. Không tẩy giun định kỳ cho bé
Ở Việt Nam, tỉ lệ trẻ em bị nhiễm giun sán rất cao: có khoảng 4 triệu trẻ ở độ tuổi mầm non, 6 triệu trẻ là học sinh tiểu học có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh giun sán có thể gây thiếu máu, suy dinh dưỡng, chậm tăng cân, còi cọc, chậm phát triển, học hành giảm sút… và có thể gây ra biến chứng đe dọa tính mạng. Do vậy, phụ huynh cần chú ý đối với trẻ nhỏ, không để trẻ lê la dưới đất, không được mặc quần thủng đít; tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở trẻ em trên 2 tuổi, vệ sinh tay chân luôn sạch, cắt móng tay, không đi chân đất, vì ấu trùng giun móc ở ngoài đất có thể đi xuyên qua da kẽ chân để vào máu, vào phổi, vào ruột và sinh sống tại đó và gây bệnh. Quần áo của người mắc giun nên thay giặt thường xuyên, ngâm nước sôi hoặc phơi chỗ có nắng nhiều cho chết trứng giun.
Hy vọng với những kiến thức trong bài viết trên đã chỉ ra được những lỗi mà các mẹ hay gặp phải khiến con chậm tăng cân, còi cọc, duy dinh dưỡng. Nếu thấy bé yêu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như chán ăn, ngủ không ngon giấc, hay quấy khóc, da xanh xao, niêm mạc mắt nhạt màu,… mẹ cần cho con đi khám sớm bởi đây có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu ở trẻ nhỏ khá nguy hiểm.